PHẦN I: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO.
1. Một số thông tin về chương trình đào tạo
1.1. Tên chuyên ngành:
– Tên tiếng Việt: Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học
– Tên tiếng Anh:Early Childhood Education, or Primary Education
– Mã số ngành đào tạo (đề xuất): 8140102
1.2. Tên ngành:
– Tên tiếng Việt: Khoa học giáo dục
– Tên tiếng Anh: Educational Science
1.3. Bậc đào tạo:Thạc sĩ
1.4. Tên văn bằng:
– Tên tiếng Việt: Thạc sỹ Khoa học giáo dục
– Tên tiếng Anh: The Degree of Master in Educational Science
1.5. Đơn vị đào tạo và cấp bằng:
Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội
2. Mục tiêu của chương trình đào tạo
2.1. Mục tiêu chung
Chương trình có mục tiêu đào tạo các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục thông qua việc trang bị cho người học các nguyên lý, lý thuyết hiện đại, những kỹ năng thực tiễn về giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và các khoa học liên quan; trang bị cho người học những phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục trình độ cao, năng lực sáng tạo; rèn luyện đạo đức công dân và đạo đức nghề nghiệp để phát triển năng lực nghề nghiệp cho các nhà giáo; phát triển năng lực quản trị và quản lý cho người học.
2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1. Kiến thức
– Hiểu biết về khoa học thần kinh và nhận thức lứa tuổi trẻ em, lí luận và công nghệ dạy học hiện đại, các phương pháp hiện đại trong nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý; tạo cơ sở cho công tác giảng dạy, quản lí và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học.
– Hiểu biết sâu về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ em, sự phát triển biểu tượng toán học ở trẻ em,…; tạo cơ sở cho việc nghiên cứu và tổ chức hoạt động giáo dục ngôn ngữ, giáo dục toán học cho trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học.
– Hiểu biết về một số định hướng đổi mới trong lĩnh vực mầm non và tiểu học như: dạy học phân hóa, dạy học tích hợp, giáo dục trải nghiệm, giáo dục STEM…
2.2.2. Kĩ năng
– Có kỹ năng nghiên cứu khoa học và giảng dạy các lĩnh vực khoa học cho đối tượng trẻ mầm non và tiểu học.
– Có khả năng dự báo về xu thế phát triển giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học để xây dựng nội dung, chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn của đất nước và địa phương.
– Có kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập; kỹ năng tự học, nâng cao trình độ theo yêu cầu của thực tiễn nghề nghiệp.
– Có khả năng sử dụng Ngoại ngữ đạt từ bậc 4 (B2) trở lên hoặc tương đương theo Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam.
2.2.3. Thái độ
Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lòng yêu nghề, có đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh, trung thực trong chuyên môn và trong cuộc sống.
Tôn trọng người học, có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, tích cực.
PHẦN II: CHUẨN ĐẦU RA VÀ MA TRẬN CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
2.1. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo
2.1.1. Kiến thức
Lĩnh hội được những tri thức chung và phát triển các chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học cũng như phát triển tài năng và năng lực của cá nhân.
Nhận định, đánh giá được về các lý thuyết và thực hành phù hợp với đề tài nghiên cứu.
Phân tích, tổng hợp một cách khoa học những hiểu biết từ các nguồn tri thức và thực hành nghề nghiệp.
Biết cách lập kế hoạch và thực hiện đề tài nghiên cứu, viết luận văn một cách khoa học và sáng tạo.
Có khả năng giao tiếp, truyền đạt, phổ biến lại những kết quả nghiên cứu, thành tựu khoa học cho công đồng khoa học và xã hội.
Hiểu biết sâu các kiến thức khoa học nền tảng về ngôn ngữ tiếng Việt, toán học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khoa học thần kinh về nhận thức lứa tuổi trẻ em,… từ đó phân tích, lí giải được chương trình, nội dung giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học.
Hiểu biết sâu sắc về lí luận giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học, từ đó phân tích, lí giải được phương pháp giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học.
2.1.2. Kĩ năng
Vận dụng các lí thuyết giáo dục trẻ em trong thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ lứa tuổi mầm non.
Vận dụng các lí thuyết dạy học hiện đại trong thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học các môn học, hoạt động giáo dục ở tiểu học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh.
Năng lực ngoại ngữ (một trong các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đạt trình độ tương đương bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngoại ngữ sử dụng để xác minh chuẩn đầu ra phải trùng với ngoại ngữ được xác định chuẩn đầu vào; sử dụng được ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn.
2.1.3. Mức độ tự chủ và trách nhiệm
Chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong phát hiện và giải quyết các vấn đề của thực tiễn liên quan tới giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học. Tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
Tự định hướng và phát triển năng lực cá nhân, thích nghi với môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao và năng lực dẫn dắt chuyên môn về lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học.
2.2. Yêu cầu đối với luận văn tốt nghiệp
Học viên bắt buộc thực hiện một Luận văn thạc sĩ như là một đề tài NCKH chuyên sâu (khoảng 24000- 25000 chữ, tương đương 70-90 trang A4), ở mức độ chuẩn bị năng lực nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học. Đề tài Luận văn chủ yếu thuộc lĩnh vực nghiên cứu, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận văn thạc sĩ theo Quy chế đào tạo thạc sĩ của ĐHQG Hà Nội và của Bộ GD&ĐT.
2.3. Vị trí việc làm mà người học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
Người học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí việc làm sau đây:
– Làm cán bộ ở các cơ sở giáo dục mầm non hoặc giáo dục tiểu học;
– Làm cán bộ ở các trường cao đẳng, đại học có đào tạo giáo viên mầm non hoặc tiểu học;
– Làm cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan quản lý giáo dục, viện nghiên cứu có liên quan đến giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học;
– Làm cán bộ quản lí chuyên môn về giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học tại các cơ quan quản lí giáo dục các cấp từ địa phương tới trung ương.
2.4. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, học viên có thể học nâng cao lên trình độ tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học (Tiểu học); Giáo dục học (Mầm non); Lí luận và lịch sử giáo dục; Lí luận, Phương pháp và Công nghệ dạy học; Quản lý giáo dục; Đo lường và đánh giá trong giáo dục…).